Hiện nay, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết bị vệ sinh tăng cao nhất là thời điểm cuối năm các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh của các thương hiệu lớn.
Người tiêu dùng ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới các sản phẩm thiết bị vệ sinh từ mẫu mã thiết kế cho đến tính năng và sự thuận tiện khi sử dụng.Đáp ứng nhu cầu đó, các thương hiệu đã không ngừng cải tiến và liên tục giới thiệu nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau ra thị trường. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng khi lựa chọn và mua sắm, bởi thương hiệu lớn luôn là mục tiêu làm giả, làm nhái, dẫn đến tình cảnh “tiền mất tật mang”.
Những dấu hiệu dễ nhận thấy của các thiết bị vệ sinh kém chất lượng là hàng giả, hàng nhái đó là: xuống cấp về hình thức cũng như chất lượng sản phẩm. Các loại bồn rửa đóng cặn bẩn, ố vàng rất khó tẩy rửa. Vòi nước thì tậm tịt, rỉ sét, nước chảy không đều, vẩn đục và có mùi hôi. Tất cả đều là các dấu hiệu đặc trưng khi người tiêu dùng đã lỡ mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.
Tình trạng này đang diễn ra hàng ngày trên thị trường mà chưa có cách nào kiểm soát. Thậm chí các chủ cửa hàng đang kinh doanh mặt hàng này cũng không thật sự biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Việc này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêu dùng. Hầu hết hàng giả, hàng nhái chứa một lượng lớn các kim loại nặng, có khả năng hòa tan vào nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, làm tăng nguy cơ gây các bệnh khác nhau như viêm da, đau bụng, buồn nôn…
Các doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ thương hiệu của chính mình
Các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó phải chủ động trong cuộc chiến chống hàng giả bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại, giải pháp chống hàng giả hàng nhái. Các doanh nghiệp cần có một hệ thống thông tin xuyên suốt từ sản xuất, phân phối, bán hàng đến chăm sóc khách hàng để giải quyết bài toán hàng gian, hàng giả.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Doanh nghiệp cũng cần phổ biến thông tin cảnh báo rộng rãi giúp người tiêu dùng nhận diện hàng thật, hàng giả. Thực tế, nếu doanh nghiệp tích cực và có quyết tâm trong việc này thì tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ bị hạn chế đáng kể.
Bên cạnh sự quyết tâm của doanh nghiệp, việc thay đổi văn hóa mua sắm của người tiêu dùng được xem là biện pháp mang tính bền vững trong công tác chống hàng giả, hàng nhái. Hiện nay, hàng giả, hàng nhái tràn lan không chỉ giới hạn ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mà còn xuất hiện tràn lan cả ở những khu đô thị lớn với nhiều trung tâm thương mại sầm uất.
Tuy nhiên, người tiêu dùng khá mù mờ về khái niệm mã vạch và tem chống giả trên sản phẩm. Thậm chí có nhiều người còn không có thói quen truy xuất nguồn gốc và cũng ít giữ lại các hóa đơn mua hàng. Người tiêu dùng chính là người có quyền quyết định đến sự “ sống còn” của hàng giả, hàng nhái thông qua việc có mua hay không. Vì vậy, việc giúp người tiêu dùng nhận thức đúng hơn về tâm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc là trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan chức năng.